Nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu, thời gian qua, tại các địa phương của huyện Như Thanh, các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế đã được thành lập và hoạt động hiệu quả.
Mục lục
Đây là một cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Những thanh niên cùng nhau nghĩ cách làm giàu
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, học hết THCS, anh Quách Văn Bộ phải bỏ học, vào miền Nam đi làm để có tiền nuôi hai em ăn học. Năm 2010, Bộ quay lại học tiếp THPT, sau đó anh thi đậu đại học nhưng ra trường không tìm được công việc đúng chuyên ngành. Năm 2017, anh quyết định về lập nghiệp tại địa phương, giữ cương vị Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Mọc và tham gia Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp của xã Mậu Lâm.
Bằng sự kiên trì, chịu khó của bản thân cùng với sự giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong Câu lạc bộ mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh đã mang lại hiệu quả cao. Hiện trang trại của anh có khoảng 20.000 con gà, hàng năm đưa ra tiêu thụ hơn 40 tấn gà trên thị trường. Ngoài ra, anh phát triển đa dạng các sản phẩm: mỗi năm đưa ra thị trường 7 tấn nấm, sản xuất rau an toàn với diện tích là 2ha.
Hiện nay thu nhập từ các mô hình của anh là trên 1.5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Anh Quách Văn Bộ chia sẻ tham gia Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp giúp anh có nhiều kiến thức trong phát triển kinh tế, học tập được những cách làm hay, sáng tạo của các mô hình khác và đặc biệt là giúp anh tự tin hơn, nuôi dưỡng những dự định lớn hơn trong tương lai.
Anh Bộ hiện là một trong 12 thành viên của CLB thanh niên khởi nghiệp xã Mậu Lâm. Câu lạc bộ hiện nay bao gồm các thanh niên trẻ từ 16 đến 35 tuổi đang phát triển các mô hình đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, lĩnh vực giao thông vận tải, tổ chức sự kiện…
Để nâng cao chất lượng hoạt động, các thành viên thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của từng cá nhân trong hoạt động chung. Nét nổi bật của CLB là hoạt động tạo nguồn vốn vay và định hướng giúp các thành viên sử dụng đúng mục đích. Câu lạc bộ đã vận động mỗi hội viên đóng góp tiền vào quỹ chung, cho các thành viên của CLB vay xoay vòng từ 3 đến 6 tháng với lãi suất ưu đãi. Các cơ sở sản xuất của hội viên CLB đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 – 40 lao động trẻ trong xã với thu nhập từ 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến thanh niên toàn huyện
Hiện nay trên địa bàn huyện Như Thanh có 14 Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp với hơn 100 thành viên. Không chỉ giúp đỡ đoàn viên thanh niên vơi bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, các CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế còn là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Sự thành công của các mô hình kinh tế trong Câu lạc bộ Thanh niên xây dựng kinh tế đã có sức lan tỏa lớn, tạo nên phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động nông thôn; hạn chế được tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa; đem lại hiệu quả cao góp phần phát triển kinh tế đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Anh Cao Văn Dựng, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh cho biết: “Khi bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc thương phẩm tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, về kinh nghiệm chăn nuôi. Nhờ việc tham gia vào CLB Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế của Đoàn xã, tôi đã giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời, qua sự chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất của các thanh niên ở mô hình khác, tôi cũng học hỏi và tích lũy thêm được những kiến thức có ích từ thực tiễn sản xuất. Bước đầu, trang trại của gia đình tôi đã cho thu lãi. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng làm giàu trên đồng đất quê hương”.
Mặc dù đã đạt được những hiệu quả nhất định, các CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế vẫn còn gặp một số khó khăn như: ĐVTN vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi hoặc vốn vay còn quá ít nên các mô hình kinh tế thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ. ĐVTN còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, kiến thức về thị trường và gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường…
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, trong thời gian tới Huyện đoàn Như Thanh cũng đã quan tâm sâu sát, có nhiều giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện đoàn Như Thanh Lê Văn Nghĩa cho biết: “Để giúp ĐVTN khai thác tốt các tiềm năng trong phát triển kinh tế tại địa phương, Huyện Đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên, thành lập các câu lạc bộ nhằm giúp nhau phát triển kinh tế. Những CLB này là nơi để các bạn trẻ cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh…Thời gian qua, mô hình CLB Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế đã có nhiều hoạt động thiết thực. Các CLB đã tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo. Không chỉ vậy, các CLB cũng tạo niềm tin, góp phần giúp đoàn cơ sở thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn.
Trong thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong vấn đề phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm… tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế”.
Có thể thấy rằng, việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thậm chí làm giàu tại khu vực nông thôn không phải là điều quá khó khăn, vấn đề là phải lựa chọn được hướng đi, cách làm một cách phù hợp. Và với việc xây dựng các mô hình CLB, hội nhóm cùng giúp nhau phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng.