Tên ngành, nghề: Ngôn ngữ Hàn
Mã ngành: 6220211
Trình độ đào tạo: Cao đẳng.
Hình thức đào tạo: Tập trung.
Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp Trung học phổ thông và tương đương.
Thời gian đào tạo: 3 năm
1. Mục tiêu đào tạo:
1.1 Mục tiêu chung:
Chương trình đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Hàn của trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội nhằm đào tạo cử nhân tiếng Hàn theo 03 định hướng chuyên ngành gồm định hướng Biên – Phiên dịch, định hướng sư phạm, định hướng chuyên ngành du lịch. Sinh viên tốt nghiệp yêu cầu giao tiếp tốt, đạt chuẩn tiếng Hàn đồng thời có kiến thức nền cần thiết cho nghề nghiệp như văn hóa, kinh tế, giáo dục, đất nước, xã hội Hàn Quốc.
Hoàn thành chương trình đào tạo, người học có thể:
- Có kiến thức cơ bản về tư tưởng, chính trị, pháp luật để thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với đất nước và xã hội.
- Có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học, Việt ngữ học và văn hóa Việt Nam phục vụ việc học tập, nghiên cứu tiếng Hàn và các công việc chuyên môn liên quan;
- Có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ Hàn Quốc và Hàn Quốc học; kiến thức nghề nghiệp cơ bản trong lĩnh vực Du lịch và Biên – Phiên dịch tiếng Hàn;
- Sử dụng tiếng Hàn đạt bậc 5 và một ngoại ngữ 2 đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Vận dụng kiến thức về lý luận và thực tiễn về ngôn ngữ học, đất nước học và văn học Hàn Quốc trong giao tiếp, dịch thuật và các công việc chuyên môn liên quan;
- Phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ, giao tiếp liên văn hóa, liên nhân, làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý và ảnh hưởng xã hội;
- Phát triển phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ cộng đồng.
1.2 Mục tiêu cụ thể:
* Kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp:
– Kiến thức:
- Vận dụng được kiến thức cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống và nghề nghiệp;
- Mô tả được kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học, Việt ngữ học và văn hóa Việt Nam để phục vụ học tập và công việc chuyên môn;
- Trình bày được kiến thức về tiếng Hàn và ngôn ngữ học Hàn Quốc (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ dụng học, đối chiếu ngôn ngữ), văn hoá, văn học Hàn Quốc, giao tiếp liên văn hoá;
- Thể hiện sự hiểu biết căn bản về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực du lịch và dịch thuật tiếng Hàn.
– Kỹ năng cứng:
- Thực hành tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề trong thực hiện công việc chuyên môn được đào tạo;
- Giao tiếp hiệu quả khẩu ngữ, bút ngữ và thông qua các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hàn trong học tập và các hoạt động chuyên môn;
- Vận dụng được kiến thức lý luận và thực tiễn về ngôn ngữ học tiếng Hàn, văn hóa, văn học Hàn Quốc và kỹ năng tiếng Hàn trong nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy tiếng Hàn và triển khai các công việc chuyên môn liên quan khác;
- Thể hiện năng lực làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả, có khả năng dẫn dắt chuyên môn và điều phối công việc để đạt mục tiêu đề ra;
– Kỹ năng mềm:
- Có kỹ năng hoạt động độc lập và phối hợp hoạt động trong tổ chức; phong cách làm việc chuyên nghiệp, tầm nhìn sâu rộng và kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề; bảo đảm hoạt động một cách có hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn được đào tạo.
- Có kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, …;
- Chủ động trong giao tiếp, truyền đạt vấn đề và giải quyết công việc.
- Có trình độ ngôn ngoại ngữ thứ 2 bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam;
- Sử dụng thành thạo, hiệu quả các công cụ, phần mềm tin học văn phòng, phần mềm chuyên ngành để giải quyết các vấn đề chuyên môn.
– Đạo đức:
- Thể hiện khả năng học tập suốt đời, năng lực tự định hướng và thích nghi môi trường làm việc đa ngôn ngữ, đa văn hóa;
- Sẵn sàng đảm nhận và phối hợp thực hiện công việc với độ cam kết cao, trách nhiệm với bản thân, xã hội và môi trường.
1.3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Hoàn thành chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn, người học có khả năng làm việc tại các bộ phận trong các doanh nghiệp:
-
Biên dịch viên/ Phiên dịch viên/ Biên tập viên: có khả năng làm việc độc lập với tư cách là biên dịch viên, phiên dịch viên hoặc biên tập viên tại các nhà xuất bản có xuất bản phẩm là tiếng Hàn, đáp ứng nhu cầu giao tiếp quốc tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nhà nước hoặc tư nhân, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
-
Thư ký văn phòng/ Trợ lý đối ngoại/ Hướng dẫn viên du lịch: có khả năng làm việc trong các văn phòng của các công ty nước ngoài, liên doanh hoặc công ty Việt Nam, phụ trách các mảng công việc liên quan đến đối ngoại, hợp tác, du lịch với các đối tác nước ngoài, tham gia đàm phán, giao dịch, theo dõi hợp đồng liên quan, lập kế hoạch, chương trình đón tiếp khách quốc tế, tổ chức các tour du lịch, xử lý các công việc có liên quan đến năng lực nói, viết tiếng Hàn.
-
Nghiên cứu viên/ giáo viên giảng dạy, nghiên cứu: có khả năng nghiên cứu trong các trung tâm, đơn vị nghiên cứu về Hàn Quốc học trong và ngoài nước. Có khả năng giảng dạy các đối tượng học viên là người Việt học tiếng Hàn. Tham gia vào các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Nếu người học hoàn thành thêm khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm thì có thể tham gia vào giảng dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông trong tương lai, khi tiếng Hàn được đưa vào giảng dạy tại bậc phổ thông.
2. KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VÀ MÔN HỌC
– Số lượng môn học, mô đun, học phần: 34
– Khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa học: 2505 giờ
– Khối lượng các môn học chung/ đại cương: 435 giờ
– Khối lượng các môn học, mô đun học phần chuyên môn: 2070 giờ
– Khối lượng lý thuyết: 416 giờ ; Thực hành, thực tập: 1610 giờ
– Thời gian khóa học: 3 năm.
– Phương pháp đào tạo: Theo niên chế.