Những sai lầm cần tránh khi ôn thi tốt nghiệp THPT

Rate this post

Nhiều giáo viên chia sẻ, học sinh vẫn còn chủ quan, quan niệm sai lầm trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT.

tuyen-sinh-2023

Không có chuyện “học tài thi phận”

Là giáo viên có nhiều năm ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, cô Trần Thị Xuân Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) – cho hay, nhiều học sinh chủ quan trong học tập; thậm chí có học sinh trông chờ vào “cầu may”. Có em còn quan điểm không cần học cũng có thể làm được bài.

Khẳng định, không có chuyện “học tài thi phận”, cô Hà nhấn mạnh, tất cả đều phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của học sinh. Hơn nữa, năm 2022 đề thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân đã có sự phân hóa.

Thực tế, số học sinh có điểm dưới trung bình không ít nên để có thể giành được điểm cao, các em cần tập trung ôn tập nghiêm túc, không nên chủ quan cũng như xem nhẹ môn học.

Trong quá trình ôn tập, học sinh cần tránh học tủ, học lệch và không nên để “nước đến chân mới nhảy”. Nhiều em đến gần ngày thi mới học, thậm chí chỉ học những bài trọng tâm, quan trọng và bỏ qua các bài về kiến thức cơ bản khác. Có em suy nghĩ: chỉ cần học lý thuyết không cần rèn kỹ năng hoặc ngược lại. Đây là những suy nghĩ, quan nên sai lầm, học sinh không nên mắc phải.

Lưu ý về những sai lầm cần tránh trong quá trình ôn tập; ThS Lê Thị Mười – Giáo viên Lịch sử, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) – cho hay: Vẫn có học sinh chưa tự giác ôn tập, còn ỉ lại vào các thầy cô và chưa tích cực chủ động tham gia ôn luyện.

Nhiều em còn phân bổ thời gian ôn tập chưa hợp lý, chỉ tập trung ôn các môn học mình thích, không chủ động ôn và tập trung vào những môn học còn yếu.

Một số em chưa chú ý việc hệ thống hóa các kiến thức để ôn luyện. Phần lớn các em chưa khắc phục được lối học vẹt trong các môn học xã hội, nhất là môn học Lịch sử, nên chưa hiểu sâu kiến thức bài học.

Ngoài ra, nhiều học sinh chưa chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng làm bài. Phần lớn vẫn chọn đáp án theo cảm tính một cách mơ hồ, cầu may mà không theo các nội dung kiến thức cơ bản nên hiệu quả làm bài còn thấp.

Không để “xôi hỏng bỏng không”

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và ôn tập môn Giáo dục công dân cho học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Hồng Sơn – giáo viên Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) chia sẻ, khi học kỳ I kết thúc và quỹ thời gian của học kỳ II vơi dần đi. Nhiều học sinh vội vàng trông cậy vào việc đi học thêm, vì cho rằng, học thêm càng nhiều, càng được điểm cao.

Cũng do không chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập nên nhiều em đã lựa chọn cho mình cách học tủ, học vẹt, học mẹo nhưng với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm thì cách học như vậy dễ gặp rủi ro khi làm bài thi.

Thầy Trần Văn Thành – Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) – cho hay: Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT, học sinh thường mắc một số sai lầm: Quá chú trọng luyện tập các bài khó mà lơ là học lý thuyết và kiến thức cơ bản.

“Nếu không chuẩn bị tốt phần kiến thức cơ bản có khi dẫn đến tình huống: Câu hỏi dễ làm sai, câu hỏi khó không làm được. Cuối cùng là xôi hỏng bỏng không” – thầy Thành lưu ý.

Theo thầy Thành, về mặt logic, có học lý thuyết mới làm được bài tập. Nắm chắc lý thuyết và làm nhuần nhuyễn các dạng bài tập thì không khó để đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Đồng quan điểm, cô Mười lưu ý: Học sinh cần tự giác hơn trong ôn tập, có kế hoạch và phân bổ thời gian thích hợp cho từng môn. Các em cần trang bị cho mình khối lượng kiến thức đầy đủ trên cơ sở hệ thống hóa các kiến thức cơ bản.

Đặc biệt, cần tránh lối học vẹt, học tủ, học lệch. Cần nắm chắc các kiến thức cơ bản của môn học. Ngoài việc ôn tập kiến thức, cần rèn luyện các kỹ năng làm bài cho hiệu quả.

Theo Giáo dục và Thời đại


Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội Tuyển sinh năm 2023