Phương thức tổ chức kỳ thi THPT, kỳ thi quan trọng bậc nhất với nhiều học sinh khối 12 đã có nhiều thay đổi ở mùa thi năm nay. Theo đó, kỳ thi này chỉ còn dừng lại ở mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, không bao gồm mục đích xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như những năm trước đây.
Mục lục
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT: “Bộ đã chủ động xây dựng nhiều phương thức thi tốt nghiệp THPT để ứng phó trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phương thức mới này đã được tính toán, cân nhắc rất kỹ trước khi trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Phương thức thi này không chỉ áp dụng cho năm 2020 này mà còn có thể ở những năm tiếp theo”.
* Thay đổi lớn
Năm 2018, Bộ GD-ĐT đã từng khẳng định, phương thức tổ chức thi THPT quốc gia dùng chung kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển đại học là ổn định và phù hợp. Bộ cũng đã chủ trương duy trì áp dụng phương thức thi này thêm ít nhất 3 năm, tức đến năm 2021. Tuy nhiên, năm nay với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Bộ đã phải liên tục đưa ra những thay đổi cho kỳ thi này, bao gồm giảm tải kiến thức học kỳ 2, lùi thời gian tổ chức thi, mục đích thi, công tác coi thi, chấm thi và cách tính điểm bài thi…
Với những thay đổi lớn trong kỳ thi THPT, tính chất căng thẳng của kỳ THPT từ năm 2020 trở đi có thể giảm đi nhiều so với những năm trước. Học sinh tiếp tục có nhiều lựa chọn khác nhau để vào được các trường đại học, cao đẳng mà không phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi THPT này. Cụ thể, các em có thể xét tuyển vào các trường bằng học bạ, bằng điểm thi THPT. Đối với những em có học lực khá giỏi, muốn thi vào các trường đại học tốp trên thì có thể tham gia kỳ thi riêng về đánh giá năng lực do chính các trường tổ chức. Ngay cả khi các em không đậu tại kỳ thi đánh giá năng lực vẫn có thể dùng kết quả thi này để xét tuyển vào các trường tốp dưới.
Một vấn đề khác rất được giáo viên, học sinh và phụ huynh quan tâm, đó chính là giới hạn nội dung chương trình của kỳ thi THPT năm nay sẽ như thế nào? Trước đó, Bộ GD-ĐT đã từng công bố giảm tải chương trình học kỳ 2, một số nội dung được lược bỏ, hoặc yêu cầu học sinh tự nghiên cứu để hiểu thêm. Đề thi minh họa của kỳ thi THPT theo chương trình giảm tải đã được Bộ công bố lần 1, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục công bố đề thi minh họa lần 2 khi kỳ thi không còn cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học như trước.
Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh cho rằng: “Việc phải thay đổi cả một phương thức thi THPT quốc gia được duy trì khá tốt trong những năm qua và chuyển sang một phương thức thi mới là điều không dễ dàng. Bộ GD-ĐT chắc chắn đã phải rất vất vả để chỉ trong thời gian ngắn xây dựng được nhiều phương thức thi cho phù hợp với tình hình năm nay. Nếu phương án thi mới này có nhiều điểm vượt trội hơn thì có thể tiếp tục duy trì trong những năm sắp tới. Do đó, học sinh không nên quá lo lắng, vì căn bản nhất là nội dung thi vẫn nằm trong sách giáo khoa, hình thức thi vẫn là 1 bài thi Ngữ văn tự luận và các bài thi còn lại là trắc nghiệm”.
Theo đó, nội dung của kỳ thi xét tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ trên tinh thần chung “học gì thi nấy”, nội dung kiến thức cơ bản nằm gọn trong chương trình học kỳ 1 và chương trình giảm tải học kỳ 2 lớp 12, đề thi không quá khó đến mức đánh đố thí sinh. Đối với việc ra đề thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục là đơn vị chủ trì tổ chức ra đề thi chung cho cả nước. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương mình. Khác với mọi năm, năm nay giáo viên tỉnh nào sẽ coi thi ở tỉnh đó, chỉ cần đổi chéo trường để đảm bảo khách quan. Mặc dù các tỉnh tự tổ chức thi, tuy nhiên Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường cán bộ công tác thanh tra, kiểm tra về các địa phương để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
* Giảm áp lực cho thí sinh
Với những tác động bất lợi kéo dài của dịch Covid-19, thời gian qua không ít học sinh khối 12 cảm thấy rất lo lắng vì không biết với quỹ thời gian eo hẹp còn lại của học kỳ 2, liệu có đủ để dung nạp hết kiến thức và ôn tập kỹ lưỡng trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, sau khi Bộ liên tiếp có thông báo điều chỉnh như: lùi thời gian tổ chức thi, giảm tải chương trình học kỳ 2, kỳ thi chỉ còn ở một mục đích là xét tốt nghiệp và số lượng bài thi giảm… đã làm thí sinh cảm thấy an tâm phần nào. Nếu như trước đây kỳ thi THPT quốc gia kéo dài tới 3 ngày, thì nay dự kiến chỉ còn 1,5 ngày với 3 buổi thi.
Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT năm nay sẽ phải tham dự đủ 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một trong 2 bài tổ hợp tự chọn về khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Riêng với học sinh hệ giáo dục thường xuyên đăng ký thi bài thi khoa học xã hội sẽ không phải làm môn Giáo dục công dân. Điểm đáng chú ý, bài thi tổ hợp môn sẽ được rút gọn, được tính 1 đầu điểm thay vì 3 đầu điểm cho 3 môn khác nhau trong 1 bài thi tổ hợp tự chọn như những năm trước.
Theo ông Mai Văn Trinh, do mục tiêu kỳ thi được thay đổi nên định hướng ra câu hỏi trong mỗi đề thi cũng sẽ có những điều chỉnh. Tỷ lệ những câu hỏi vận dụng, vận dụng cao sẽ được giảm bớt so với cấu trúc đề thi những năm trước. Tuy nhiên, ông Trinh cũng chia sẻ: “Các loại đề thi nói chung, đề thi tốt nghiệp THPT nói riêng vẫn phải có sự phân hóa nhất định để phân loại được chuẩn đầu ra theo từng nhóm khác nhau”.
Thêm một lưu ý mới của Bộ GD-ĐT đối với sở GD-ĐT các địa phương, đó là những học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 nhưng không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc dự thi nhưng không đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình THPT. Những em này có thể dùng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để đăng ký học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7 sắp tới.
* Phương án tuyển sinh của các trường đại học
Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong những năm qua, việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đã khác so với nhiều năm về trước. Có được điều đó là do Bộ GD-DT đã giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh cho các trường. Theo đó, các trường có quyền tự quyết nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, hoàn toàn có lợi cho thí sinh.
Chẳng hạn năm nay, các em có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học bằng việc tham gia kỳ thi riêng về đánh giá năng lực. Những học sinh đăng ký thi đánh giá năng lực thường là những em có học lực khá, giỏi trở lên. Các thí sinh khác có thể dùng kết quả học bạ THPT để xét tuyển, hình thức xét tuyển học bạ đã được rất nhiều trường triển khai. Hoặc khi có kết quả tốt nghiệp THPT, các em cũng có thể dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào các trường. Ngoài ra, còn có nhiều trường đại học, cao đẳng khác áp dụng cả 3 hình thức tuyển sinh trên hoặc dùng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường tốp trên.
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, hiện đã có khoảng 10% các trường đại học đã sẵn sàng phương án tuyển sinh riêng, chủ yếu là các trường đại học thuộc khối công an, quân đội, các trường đại học khối ngành y dược, các đại học tốp đầu như: Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM… Có 28% các trường đại học sẽ xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT với 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ 6,5 điểm trở lên. Hiện vẫn có khoảng 62% các trường chưa xây dựng được phương án tuyển sinh, và các trường này vẫn còn hơn 4 tháng để xây dựng phương án cho riêng mình.
TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết, với phương án mới được Bộ GD-ĐT xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận, các trường đại học sẽ được tự chủ nhiều hơn nữa trong công tác tuyển sinh. Các trường có thể sử dụng nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau để đạt được chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đầu vào, hỗ trợ cho quá trình đào tạo lẫn đầu ra trong tương lai. Ông Hùng cũng cho biết, dự kiến năm nay Trường đại học Đồng Nai sẽ áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh được phép của Bộ GD-ĐT như: xét kết quả học bạ THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng chung kết quả thi đánh giá năng lực của các trường khác nếu thí sinh có tham gia.